0932 776 573 (Hỗ trợ tư vấn) Email: ttgdnngdtx.q10@tphcm.gov.vn
KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Quan điểm của Hồ Chí Minh về con người.

Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh xác định cho cách mạng Việt Nam là nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để đi đến giải phóng con người. Con người vừa là chủ thể của cách mạng, vừa là mục tiêu cao nhất của cách mạng.

Trong vấn đề con người, điều mà Hồ Chí Minh quan tâm nhất đó là con người Việt Nam, những quan hệ xã hội trong xã hội Việt Nam, Người đã nêu rõ ý kiến riêng, quan điểm của mình khi tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những ý kiến, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về con người.

Quan điểm của Người về con người và bản chất của con người đều xuất phát từ thực tiễn, Người đưa ra những quan điểm chủ yếu về con người rất độc đáo mà rất thiết thực. Người định nghĩa về con người: "Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người". Như vậy, con người không phải là những cá thể biệt lập. Chỉ có trong quan hệ xã hội, trong hoạt động thực tiễn xã hội con người mới có lao động, ngôn ngữ, tư duy, chế tạo công cụ lao động, mới thật sự trở thành con người đúng nghĩa.

Sức mạnh của cả dân tộc được khơi dậy và tập hợp nhờ quan điểm "hết sức chăm nom đến đời sống nhân dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu TTXVN

Thứ nữa, theo Hồ Chí Minh, con người muốn tồn tại thì phải có ăn, mặc, ở, đi lại... Nhưng đời sống con người không chỉ dừng lại ở vật chất, mà còn những nhu cầu tinh thần, văn hóa là những đặc trưng của con người. Tất cả nhu cầu về vật chất và tinh thần đó được đáp ứng hay không, lại hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ xã hội, vào hình thái kinh tế-xã hội mà con người đang sống. Người nói: "đồng bào ai cũng có ăn, có mặc,..." vì đây là những điều thiết yếu để tồn tại. Người vẫn nhớ và thường nhắc lại "Dân dĩ thực vi thiên" (Dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời). Lại có câu "Có thực mới vực được đạo" (Không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả). Từ đó ta thấy việc quan tâm đến cái ăn, cái mặc, cái ở của nhân dân luôn đặt lên hàng đầu trong mối quan tâm của Hồ Chí Minh.

Đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước..., Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm đối với đời sống của nhân dân. Ðó là những việc cần phải làm ngay: "1.Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Ði đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập". Người căn dặn: "chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân". Nếu dân đói, dân rét, dân dốt là Ðảng có lỗi.

Hồ Chủ tịch thăm nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyênđang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất (1954). Ảnh: TTXVN

Chính sách của Ðảng  Chính phủ  phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong các giai cấp bóc lột ở Việt Nam chỉ có một số ít cam tâm làm tay sai cho thực dân đế quốc, chỉ có một số ít là phản lại dân tộc và đất nước, còn đại bộ phận vẫn thấy cái nhục mất nước của con người Việt Nam. Truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc đã hun đúc nên tinh thần văn hóa tiềm ẩn bên trong mọi người dân Việt Nam, bất kể giai cấp nào. Cho nên nếu làm thức tỉnh tinh thần dân tộc ở họ, thì họ vẫn đứng về phía dân tộc đối mặt với bọn đế quốc thực dân. Từ đó, Người đã sớm đưa ra chủ trương phân hóa giai cấp địa chủ thành thị, trung, tiểu địa chủ; phân hóa giai cấp tư sản thành tư sản dân tộc, tư sản mại bản, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo...

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thắng lợi ấy đã chứng minh Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp một cách sáng tạo, không chỉ trong đường lối cách mạng, mà còn về mặt con người, và con người Việt Nam với những điều kiện lịch sử cụ thể của nó.

Muốn xây dựng chủ nghĩa  hội, trước hết cần  những con người  hội chủ nghĩa
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về vai trò của con người, Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người là sự nghiệp của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, với tinh thần "phải đem sức ta mà giải phóng cho ta". Hồ Chí Minh nhìn thấy sức mạnh của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam không chỉ với những gì đã được bộc lộ, mà còn ở những điều tiềm ẩn bên trong những lực lượng to lớn ấy. Người tin tưởng sâu sắc rằng khi giai cấp vô sản, nhân dân lao động các dân tộc thuộc địa trên thế giới thức tỉnh, tổ chức và đấu tranh theo đường lối đúng đắn thì sức mạnh sẽ trở thành vô địch và nhất định sẽ giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh đã đi đến tổng kết, một dân tộc dù nhỏ bé sẽ không bị một dân tộc lớn gấp hàng chục lần thôn tính và đồng hóa nếu dân tộc ấy phát huy được sức mạnh con người với những phẩm chất tinh thần, tư tưởng và văn hóa. Ðối với dân tộc Việt Nam, con người làm ra lịch sử, nhân dân là chủ thể của lịch sử, là chân lý cụ thể, sinh động đã được Hồ Chí Minh củng cố và nâng cao thành triết lý nhân sinh. Triết lý nhân sinh này đã được phát huy và đã được chứng minh hùng hồn trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Phải đương đầu với hai đế quốc to, trong khi lực lượng ta yếu về nhiều mặt, nhưng Hồ Chí Minh vững tin ở nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sẽ biến ít thành nhiều, nhỏ thành lớn, yếu thành mạnh, tạo được cả thế và lực để giành thắng lợi.

Lòng tin của Hồ Chí Minh vào nhân dân là do thấm nhuần sâu sắc truyền thống lịch sử dân tộc về phẩm chất của con người Việt Nam: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Tháng 8/1961, nói chuyện với Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền bắc nhằm quán triệt nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Người đã đưa ra một luận điểm quan trọng và khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc cách mạng lâu dài, phức tạp, sâu sắc và triệt để nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... nên nó đòi hỏi con người mới xã hội chủ nghĩa phải là những con người đủ phẩm chất, năng lực về trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, quyết tâm cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

 
 

Bác Hồ thăm nông dân hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gặt mùa năm 1954. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân xã Hùng Sơn,huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất năm 1954. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình nông dân ở thôn Lâm Xuyên, xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, vừa hoàn thành cải cách ruộng đất, ngày 8/2/1955. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học bình dân học vụ của bà con lao động khu lao động Lương Yên, Hà Nội, ngày 27/5/1956. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đang chống hạn ngày 26/7/1962. Ảnh: TTXVN

Thiếu nhi ở trại nhi đồng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chào đón Bác đến thăm tháng 6/1967. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở tháng 7/1960. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Bài đăng trên Báo Nhân Dân cuối tuần, ngày 16/5/2020.

Nội dung: LÊ XUÂN ĐỨC
Trình bày: HẠNH VŨ
Ảnh: TTXVN

Liên kết với trường
prev_doitac next_doitac